Tìm hiểu quy trình làm phim hoạt hình hiện nay

1. Hoạt hình – Anime

Có nhiều thể loại hoạt hình. Từ giấy cắt đơn giản cũng có thể làm nên một phim hoạt hình. Lúc còn bé hẳn nhiều người từng vẽ hình vào tập giấy rồi tinh nghịch lật nhanh các tờ trong tập giấy đó để làm cho hình vẽ chuyển động. Đó chính là kỹ thuật cơ bản làm nền tảng cho ảo giác chuyển động hoạt hình. Hoạt hình giấy cắt là hình thức cổ xưa và thô sơ nhất áp dụng kỹ thuật này. Ngày nay hoạt hình giấy cắt vẫn được sử dụng rộng rãi và một số serie như South Park minh chứng nó không hề sút kém sức thu hút.

Hoạt hình sáp – mô hình sáp được chụp ở vị trí và tư thế khác nhau để tạo nên chuyển động. Phương pháp này được phát triển lên thành môn nghệ thuật cao cấp bởi bậc thầy Ray Harryhausen trong tác phẩm của ông Jason and The Argonaunts. Nick Park cũng nổi tiếng với hoạt hình sáp qua phim đoạt giải Oscar là Wallace & Grommit và gần đây là Chicken Run.

Hoạt hình rối – các nhân vật cử động thông qua sự điều khiển của người khiển rối. Lúc trước không phổ biến lắm vì người ta có thể đến xem diễn xuất trực tiếp tại rạp. Các phim hoạt hình rối giớ đây áp dụng hiệu ứng hình ảnh âm thanh làm con rối sống động hơn và thu hút một bộ phận không nhỏ các khán giả nhỏ tuổi.

Hoạt hình 3D được làm 100% bằng vi tính. Như tên gọi, các nhân vật và cảnh nền đều được xây dựng trong môi trường đồ họa 3D. Hoạt cảnh được lập trình với sự trợ giúp các chương trình làm hoạt hình 3D chuyên biệt. Shrek, Final Fantasy The Spirit Within là ví dụ điển hình của thể loại này.

Bài viết xin chỉ giới hạn ở hoạt hình cel mà phần lớn anime sử dụng. Hoạt hình cel là hoạt hình được thực hiện bằng giấy kiếng nhựa Celluloid – vì vậy có tên là Cel. Các cel được sắp xếp theo trình tự nhất định để tạo chuyển động hoạt hình tương tự cách lật tập giấy nhưng với qui mô lớn hơn nhiều.

Làm phim hoạt hình 3D sẽ có mặt tại kỳ 4 của FPT Arena

Anime

2. Người làm hoạt hình

Nhiều người đồng hoá người làm hoạt hình với họa sĩ vẽ họat hình. Điều này không phải lúc nào cũng đúng. Ai cũng biết Walt Disney làm phim hoạt hình. Nhưng ông không tham gia vẽ phần lớn các phim công ty ông phát hành, nhất là các phim nổi tiếng sau này như Công Chúa Ngủ Trong Rừng hay Giai nhân và quái vật… Walt Disney được người ta biết đến như nhà sản xuất và phân phối hơn. Những người được ông thuê làm họat hình – các họa sĩ mới là người làm nên chuyển động và đường nét nghệ thuật trong các phim của Disney.

Đạo diễn anime đều là hoạ sĩ. Tuy có giám đốc nghệ thuật phụ trách nhưng nhiều đạo diễn như Miyazaki thích tự thân kiểm tra và chỉnh sửa bản vẽ các họa sĩ dưới tay. Do đó, đến rạp hay xem trên TV ta không chỉ thưởng thức tài năng đạo diễn mà nhiều khi cả nét vẽ của họ.

3. Ý tưởng

Quá trình thực hiện anime bắt đầu từ ý tưởng, kịch bản hay một manga đã có số lượng độc giả yêu thích nhất định. Thường là xuất phát từ sự thành công của manga. Điều này nhằm đảm bảo an toàn về mặt đầu tư cho các nhà tài trợ. Khi manga thành công, tác giả được chào mời tham gia trực tiếp làm anime hoặc gián tiếp với tư cách cố vấn. Nhiều tác giả manga xem anime như bước đột phá quan trọng trong nghề nghiệp và hầu hết đạo diễn anime đều xuất thân từ họa sĩ manga.

Ý tưởng của các đạo diễn có tên tuổi trong ngành công nghiệp được các nhà đầu tư đặc biệt chú ý khi xem xét tính khả thi của việc tài trợ. Những ý tưởng này được làm thành bản đề nghị thực hiện phim, trong đó phát thảo chi tiết câu chuyện, các nhân vật chính và những yếu tố để nó trở nên một phim ăn khách. Bản đề nghị được kèm theo vài bức vẽ minh họa cho ý tưởng và khả năng thể hiện của đạo diễn.

4. Kinh phí

Tương quan mà nói, làm phim hoạt hình tốn ít kinh phí hơn làm phim nhựa với những siêu sao minh tinh màn bạc. Trung bình một anime màn ảnh rộng có ngân sách từ 5 đến 10 triệu US$. Trong khi đó ngân sách phim nhựa thường lên tối thiểu vài chục triệu US$. Tuy nhiên các anime được đặc biệt đầu tư như Mononoke Hime, Spirited Away đòi hỏi tài năng, kỹ thuật và đồng thời là nguồn tài chính khổng lồ không lồ.

Sản xuất phim bắt đầu ngay khi kinh phí được chấp thuận bởi hội đồng tài trợ. Làm anime bao giờ cũng là cơn ác mộng của nhà sản xuất vì các họa sĩ tài năng rất đắt khách. Nếu không có người có khả năng thực hiện và thực hiện đúng tiến độ thì sẽ không đảm bảo được phim sẽ ra mắt đúng như cam kết với nhà đầu tư. Do bị giới hạn về tài chính và tính mùa vụ của việc sản xuất nên các studio anime không thể thuê họa sĩ dài hạn mà chỉ theo hợp đồng. Mỗi khi có dự án, các studio lại phải đi săn tìm rất quyết liệt. Và khi săn được thì tận dụng các họa sĩ hết khả năng. Ở cao điểm của quá trình sản xuất hầu hết các studio làm việc 24/24, chia ra làm nhiều ca. Đèn luôn thắp sáng ngày cũng như đêm qua khung cửa những toà nhà studio anime tập trung thành từng cụm ở Tokyo..

5. Bản vẽ phân cảnh

Người ta bổ nhiệm các vị trí thiết yếu như thiết kế nhân vật, họa sĩ chủ chốt, giám đốc nghệ thuật. Đạo diễn và nhà sản xuất cùng làm việc với nhau lên kế hoạch để đảm bảo phim được thực hiện đúng tiến độ, trong tầm kinh phí và với chất lượng cao nhất có thể. Một thời gian biểu chi tiết sản xuất phim cùng trình tự và tiến độ công việc. Mỗi phần của quá trình được sắp xếp có khoa học để tránh chậm trể dẫn đến tình trạng chậm trể ở các bộ phận khác cùng toàn bộ kế hoạch sản xuất. Nhà sản xuất giám sát quá trình và chịu trách nhiệm trước nhà đầu tư về tiến độ sản xuất phim. Các quyết định khác được giao cho đạo diễn và giám đốc nghệ thuật cùng các họa sĩ: dùng phong cách nào ? Thật , diễu, fantasy hay avant garde ? Không khí của toàn phim sẽ thế nào …vv..

Bản vẽ phân cảnh được bắt đầu đầu tiên. Vẽ phân cảnh là một công đoạn công phu, đòi hỏi sức sáng tạo và chi tiết cao. Bản vẽ phân cảnh sẽ thiết lập mỗi cảnh. Giống như phân cảnh cho phim nhựa người thật đóng nhưng vì là hoạt hình nên bản phân cảnh mang tính tỉ mỉ cao hơn, cho biết cụ thể các cảnh sẽ được vẽ thế nào, góc quay, màu sắc, các chi tiết phụ, chính để hướng dẫn các họa sĩ khác trong studio vẽ nhân vật và cảnh. Bản vẽ phân cảnh cũng bao gồm luôn chú giải về âm thanh và nhịp độ cho từng cảnh.

Nhiều đạo diễn thích tự tay thực hiện bản vẽ phân cảnh nhưng đôi khi một nhóm những họa sĩ chuyên biệt, Giám Đốc Nghệ Thuật hay một nhân viên chủ chốt được chỉ định để thực hiện. Mọi người sẽ họp lại với nhau để thống nhất hình ảnh các nhân vật và bối cảnh. Đồng thời Giám Đốc Nghệ Thuật sẽ thực hiện một bảng hướng dẫn cảnh nền cho biết tông và lọat màu được sử dụng.

Bản vẽ phân cảnh được đầu tư kỹ vì nó là yếu tố đầu tiên dẫn đến thành công của việc sản xuất anime. Không chỉ mang vai trò kịch bản, bản vẽ phân cảnh còn đóng vai trò “thần” của anime, nhờ đó tất cả mọi người có thể hòan thành phần mình đúng. Khi thực hiện một dự án chung quanh mọi góc ngách các studio luôn treo lủng lẳng đầy hình ảnh phóng tác từ bản vẽ phân cảnh để giúp tất cả những người tham gia nhập tâm ý tưởng toàn phim.

6. Vẽ

Cũng giống phim thường, anime được chia làm nhiều cảnh và cuối cùng ghép lại với nhau. Từ bản vẽ phân cảnh với những gì sẽ xảy ra trên màn ảnh qua từng cảnh một, họa sĩ sẽ vẽ các khung hình chính – đầu và cuối của cảnh. Đạo diễn thường xuyên kiểm tra các khung hình chính. Trong trường hợp cần thiết ghi chú để sửa chữa hay thay đổi. Nhiều đạo diễn đích thân chỉnh sửa nhưng đa số chỉ ghi chú giải những gì cần thay đổi để họa sĩ theo đó mà chỉnh vẽ lại. Các cảnh vẽ bao giờ cũng có tối thiểu 2 người. 1 người vẽ và 1 người kiểm tra, đảm bảo cảnh bị không sai đoạn.

Tùy theo anime được lồng tiếng trước hay sau mà khối lượng vẽ nháp studio nhiều hay ít. Tối thiểu phải có một bản vẽ hoạt hình nháp để trình cáo công ty sản xuất và các nhà phát hành phim để họ an tâm. Đa số anime được vẽ trước, sau đó thêm âm thanh và lồng tiếng sau. Nhưng điều này dễ dẫn đến miệng của nhân vật không chính xác cùng nhịp theo lồng tiếng, tạo nên hiện tượng “nhấp nháy miệng” rất điển hình của anime. Một số anime hiếm hoi lồng tiếng trước như Akira, dựa trên lồng tiếng vẽ miệng nhân vật theo các nguyên âm phát ra. Cách này rất công phu đòi hỏi đầu tư lớn về thời gian và công sức và cùng theo đó tài chính. Vì vậy rất ít khi được áp dụng. Thật ra lồng tiếng trước không có gì xa lạ trong việc sản xuất hoạt hình, đã được Walt Disney ứng dụng rộng rãi từ lâu.

Để hình ảnh chuyển động, người ta cần thêm nhiều khung hình nối cảnh vào khoảng cách giữa 2 khung hình chính. Nối cảnh giúp chuyển hình nhịp nhàng và trôi chảy giữa các khung hình chính. Sự trôi chảy tùy theo số lượng khung hình / giây và điều này lại lệ thuộc lớn vào kinh phí và thời gian cho phép. Họa sĩ vẽ nối cảnh dựa trên bảng thời gian được cung cấp cho biết bao nhiêu khung hình cần thiết cho mỗi cảnh. Họ thuộc cấp thấp nhất trong số các hoạ sĩ tham gia làm hoạt hình, ăn công theo số khung hình vẽ thêm và đảm nhiệm luôn việc bôi xóa các lời dặn dò trên khung chính và các đường vẽ nguệch ngoặc phát thảo.

Việc tô màu được thực hiện dựa trên một quyển hướng dẫn qui định cụ thể các màu được chọn và cách tô cho từng khung hình. Gam màu sử dụng rất đa dạng. Một anime có thể dùng trên 300 màu khác nhau. Tùy theo cái nhìn nghệ thuật của chuyên gia màu, tông màu có thể thiêng về một màu chủ lực nào đó. Đỏ, vàng và xanh thường là những màu hay được chuộng.

Mỗi cảnh có nền riêng và trong phim sẽ được nhìn thấy từ nhiều góc cạnh khác nhau. Nền là một phần đóng góp rất lớn cho thành công tòan cục của một cảnh. Anime có bối cảnh lịch sử đòi hỏi cảnh nền thật sự ấn tượng. Sự đòi hỏi này khiến những người làm anime phải nghiên cứu kỹ các cảnh để có thể vẽ nền cho thích hợp và tô điểm nổi bật cho bối cảnh. Ghép thử nền bên dưới các nhân vật, người ta kiểm tra lại lần cuối để đảm bảo nó ăn khớp như ý muốn trước khi đưa qua bước xử lý kế tiếp.

7. Cel

Các bản vẽ không có lỗi sẽ được chuyển thành giấy kiếng nhựa Celluloid. Người ta đồ lại và tô màu từng cel dựa trên bản vẽ giấy trước đó. Các bạn thấy trên net các fan mua bán, trao đổi cel với nhau chính là cái này. Hiện đại hơn công việc được đơn giản hoá bằng cách thông qua máy photocopy đặc biệt.

Cel sau đó được đưa qua một máy chụp chuyên nghiệp với độ phân giải cao để chụp. Một đoạn fim cỡ 1 tiếng có thể lên đến hơn trăm ngàn cel phải chụp. Đạo diễn, giám đốc nghệ thuật và giám đốc hình ảnh sẽ quyết định lăng kính, tiêu cự và thiết bị máy chụp nào được dùng cho mỗi cảnh để đạt hiệu ứng đúng như mong đợi. Kèm theo đó là hướng dẫn chi tiết cho người chụp. Tất cả cel, nền, và ghi chú cùng bảng thời gian được giao cho bộ phận chụp ảnh thực hiện.

8. CG và xử lý vi tính

Vài năm trở lại đây nhiều phim sử dụng CG từ máy vi tính. Tuỳ theo nhu cầu mà người ta có engine riêng để thực hiện phần 3D cho phim. Có khi chuyển động 3 chiều như Ghost in the Shell. Có khi liên quan đến kết hợp 2D và 3D như trong Metropolis hay Macross Plus.

Phim được đưa qua xử lý bằng vi tính để tạo hiệu ứng. Tổng thể các phần được chuyển thành dữ liệu kỹ thuật số để tiện cho việc cắt xén và biên tập. Digital hóa cũng giúp các thao tác trau chuốt mang tính nghệ thuật, cinematic dễ dàng hơn. Chỉ một số ít các studio anime có bộ phận làm CG riêng. Đa số phải đưa gia công ở các studio CG chuyên biệt. Các dự án anime lớn được xử lý ở các trung tâm xử lý ở Tokyo. Các dự án nhỏ hơn được đưa qua trung tâm xử lý hoạt hình ở Hàn Quốc. Không riêng gì anime mà rất nhiều fim hoạt hình phương tây giờ đây cũng được đưa qua Hàn Quốc xử lý vì tính chuyên nghiệp và chi phí thấp.

Tăng cường các ứng dụng của vi tính vào phim ảnh đã ảnh hưởng đến cách làm anime. Ngày nay, người ta thường nhắc đến từ digital cel hay digital hóa cel. Nhiều studio không còn dùng giấy celluloid truyền thống mà đã chuyển hẳn qua kỹ thuật số. Các bản vẽ được scan thẳng vào máy tính để chỉnh sửa, tô màu. Dr Slump TV serie 1997/98 của Toei được tô màu hòan tòan bằng máy vi tính. Mononoke Hime có lẽ đã không ra mắt công chúng đúng hẹn nếu không có sự trợ giúp của kỹ thuật số. (Tuy số được vẽ và tô màu kỹ thuật số chỉ chiếm dưới 5% tổng số cel của phim)

Máy vi tính còn có thể thực hiện một số thao tác phức tạp như nối cảnh. Các khung hình ở giữa sẽ được mô phỏng và tạo thành chuổi liên kết 2 khung hình đầu và cuối lại. Điều này giúp rút ngắn thời gian và giảm thiểu công sức rất nhiều. Tuy nhiên, chi phí khổng lồ phát sinh từ việc vi tính hoá này phần nào giới hạn khả năng áp dụng nó vào anime. Vẽ tay kinh tế hơn. Vì vậy cho đến khi chi phí cho máy vi tính, phần mềm và các kỹ sư cần thiết giảm một cách đáng kể thì công đoạn “lao động chân tay” như họa sĩ vẽ nối cảnh vẫn là một phần không thể thiếu của qui trình làm anime.

9. Nhạc phim

Nhạc phim có vai trò rất quan trọng trong anime. Nó mang phần hồn đến cho hình ảnh qua sự thi vị, lãng mạn, hùng tráng, cổ kính tùy theo theme của phim như đạo diễn mong muốn. Nhà soạn nhạc bắt tay vào làm việc trước các hoạ sĩ, ngay khi bản vẽ phân cảnh được phân phát. Nhạc phim gắn chặt với quá trình sản xuất và có thể thay đổi nhiều lần theo sự thay đổi của phim so với dự kiến ban đầu. Hầu hết các anime có ngân sách cao như Akira, Ghost in the Shell, các phim của Studio Ghibli… đều có dàn hoà tấu và nhạc sĩ riêng để phục vụ cho phần âm nhạc.

Và cuối cùng…

Anime được trình chiếu thử cho các nhà đầu tư và phân phối phim phê duyệt. Sau đó ra mắt khán giả với nhiều phiên bản khác nhau tùy theo thị trường và đối tượng người xem….

The World of Miyazaki của Helen McCarthy

??? Xem thêm:

Dựng phim bằng adobe premiere

Khóa học dựng phim adobe premiere

Viện Đào Tạo Quốc Tế FPT

FPT Arena Multimedia – https://tet.emotiongift.vn